March 2020

Trái với động thái bán ròng liên tiếp của nhà đầu tư ngoại, đẩy giá cổ phiếu lao dốc và chạm mức thấp trong nhiều năm trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp tận dụng cơ hội đăng ký mua cổ phiếu quỹ, trong khi nhiều cổ đông nội bộ, ban lãnh đạo cũng ra tay đăng ký mua "cứu" giá. Vậy mục đích và tác động của hành động mua cổ phiếu quỹ này ảnh hưởng như thế nào đến giá cổ phiếu trên thị trường? Hãy cùng TBKTSG số 13/2020 (số ngày 26/03/2020, trang 48-49) làm rõ vấn đề này nhé.

Theo TBKTSG số 13/2020 thì hoạt động giá cổ phiếu giảm sâu giai đoạn vừa qua đâu đó có tác động từ việc các CTCK bán giải chấp, nhiều nhà đầu tư chủ động tháo bớt margin bởi không ít các doanh nghiệp, cổ đông lớn, ban lãnh đạo đã cầm cố cổ phiếu doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng, phục vụ các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp hoặc chính bản thân. Hoặc không ít các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho ngân hàng với giá trị tài sản đảm bảo bằng chính cổ phiếu của doanh nghiệp. Như vậy, khi cổ phiếu lao dốc, những đối tượng này buộc phải bổ sung tiền ký quỹ. Nếu không muốn bị bán giải chấp, họ phải nộp thêm tiền vào tài khoản để đạt ngưỡng an toàn tối thiểu theo quy định. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, cổ đông lớn hoặc ban lãnh đạo, thay vì nộp tiền ký quỹ bổ sung, họ có thể lựa chọn đăng ký mua vào cổ phiếu với số lượng lớn, vừa tăng tỷ lệ sở hữu, vừa tác động đến tâm lý tích cực lên thị trường để giá cổ phiếu tăng trở lại, thoát khỏi ngưỡng nguy hiểm.

Việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu ngắn hạn để phần nào đó giải tỏa áp lực giải chấp khi các doanh nghiệp cầm cố cổ phiếu doanh nghiệp để vay vốn đầu tư. Việc mua cổ phiếu quỹ cũng giúp làm tăng EPS, thêm giá trị và hấp dẫn cho nhà đầu tư, cũng như bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ thâu tóm.


Việc mua vào cổ phiếu quỹ cũng làm tối ưu hóa giá trị cho cổ đông khi cải thiện chỉ số EPS, tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Những trường hợp này thường được các doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhàn rỗi, thay vì gửi ngân hàng lãi suất tiết kiệm không cao thì họ có thể tận dụng nhưng đợt giảm sâu đăng ký mua vào để đầu tư. Hoặc đó còn là cách bảo vệ doanh nghiệp khỏi thâu tóm...

Dù mục đích mua cổ phiếu quỹ là gì nhưng rõ ràng việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ đã có những ảnh hưởng tích cực trước mắt lên giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần đánh giá hiện thực hóa việc đăng ký mua cổ phiếu quỹ này thông qua lượng tiền mặt có được trong báo cáo tài chính gần nhất. Nếu lượng tiền mặt quá ít, thấp hơn giá trị lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký mua thì việc thực hiện là thiếu khả thi. Nhà đầu tư cũng có thể nhìn vào lịch sử giao dịch nội bộ với những lần đăng ký mua vào để đánh giá.

Lịch sử đã nhiều lần chứng kiến giá vàng tăng rất mạnh trong các cuộc khủng hoảng kinh tế ở các giai đoạn 1990 - 1991, 1999 - 2000 hay 2008 - 2009 nhưng vấn đề này không lặp lại ở thời điểm dịch Covid-19 này. Hiện tại, các nhà đầu tư trên toàn cầu đang liên tục bán tháo tất cả các tài sản hiện có để chuyển sang nắm giữ tiền mặt vào lúc này. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà đầu tư phải bán tháo các tài sản hiện có vào lúc này? Câu trả lời đơn giản là do họ đang cần tiền mặt để chi trả cho các nghĩa vụ đến hạn của mình.

Dưới áp lực đóng các trạng thái của các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ của các quỹ đầu tư làm suy yếu thanh khoản đồng đô la Mỹ, gây hiện tượng bán tháo ở thị trường chứng khoán và mất giá ở các đồng tiền.

Tiếp đến, một câu hỏi khác sâu hơn cần làm rõ là vì sao sau khi bán các tài sản đang nắm giữ, các nhà đầu tư lại phải chuyển sang nắm giữ đô la Mỹ? Nguyên nhân sâu xa và gốc rễ đơn giản vẫn nằm ở giá trị của đồng đô la Mỹ. Bởi đô la Mỹ được xem là một đồng tiền mạnh, giá trị đảm bảo và đặc biệt là có tính thanh khoản toàn cầu. Cơ chế bán tháo tất cả các loại tài sản và chuyển sang đồng đô la Mỹ làm thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng tiền của các nước mất giá mạnh được TBKTSG số 13/2020 (ngày 26/03/2020, trang 19) mô tả như sau:

Khi nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn tăng trưởng ổn định thì các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tại các quốc gia trên thế giới sẽ huy động tiền của dân chúng bằng đồng nội tệ thông qua các quỹ đầu tư (funds) như quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư cổ phiếu/trái phiếu hay bất động sản... Các công ty quản lý quỹ này sẽ thực hiện các giao dịch hoán đổi tiền tệ (swap) với các ngân hàng, định chế tại Mỹ để chuyển đồng nội tệ sang đồng đô la Mỹ đầu tư vào các loại tài sản như cổ phiếu, chứng khoán, thậm chí là bất động sản tại các thị trường có mức sinh lời cao.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một cuộc khủng hoảng, đặc biệt là tại Mỹ, thì nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, thất nghiệp gia tăng và thu nhập quốc dân sẽ giảm. Khi đó, các ngân hàng Mỹ sẽ buộc phải đóng trạng thái trước hạn đối với các hợp đồng hoán đổi tiền tệ trước đó với các công ty quản lý quỹ trên toàn cầu. Nói cách khác, các ngân hàng Mỹ sẽ yêu cầu các công ty quản lý quỹ trả lại đô la, và các quỹ sẽ nhận lại đồng nội tệ họ đã hoán đổi trước đó. Để có tiền trả cho ngân hàng Mỹ, các quỹ đầu tư này sẽ bán các tài sản đã đầu tư và chuyển sang đô la Mỹ.

Một vòng tuần hoàn, lặp đi lặp lại như vậy và theo một phản ứng dây chuyền khiến thanh khoản đồng đô la suy kiệt. Hệ quả là việc bán tháo tất cả các loại tài sản khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, đồng tiền của các nước mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ.

Trước sự ảnh hưởng của dịch covid-19, theo TBKTSG số 13/2020 (ngày 26/30/2020, trang 11) thì sự gia tăng của cầu ngoại tệ ở thời điểm hiện tại có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân sau:

  1. Thứ nhất, trên thị trường chứng khoán, khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu và chuyển đổi đồng nội tệ ra USD.
  2. Thứ hai, lãi suất tiền đồng giảm mạnh sau khi NHNN hạ hàng loạt lãi suất điều hành chủ chốt và thanh khoản dồi dào của ngân hàng đã phần nào kích thích doanh ngoại hối của tổ chức tín dụng. Những ngân hàng nào bán ngoại tệ (short) thì đã mua lại (cover). Điều này thúc đẩy cầu ngoại tệ ngắn hạn.
  3. Thứ ba, tâm lý đóng vai trò quan trọng trong biến động tỷ giá. Sự lo lắng dịch Covid-19 làm giảm tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng xuất khẩu và sản xuất trong nước... đã khiến người dân, nhà đầu tư hướng đến các kênh an toàn hơn như vàng, ngoại tệ.

Sự gia tăng cầu ngoại tệ, một phần đến từ sự bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên TTCK

Một bài phân tích hay của TS. Hồ Quốc Tuấn chia sẻ trên TBKTSG số 13/2020 (ra ngày 26/03/2020, trang 20-21). Theo đó, bạn nên chọn kênh đầu tư nào mà bạn hiểu nhất. Đừng nên nhảy vào một kênh đầu tư chỉ vì tài sản đó đã giảm nhiều và cho rằng nó sẽ tăng nhanh trở lại. Một cổ phiếu rớt 50% vẫn có thể rớt thêm 50% nữa. Bài học "bắt dao rơi" điển hình là khi chỉ số VN-Index giảm từ 900 về 500 điểm trong năm 2008 và mấy tháng sau nó chỉ còn xung quanh 300 điểm. 

Ngoài ra, tác giả còn khuyến cáo nên quan tâm đến rủi ro khủng hoảng nợ (vỡ nợ) khi mà các hãng hàng không, dịch vụ lữ hành, vui chơi, mua sắm, giải trí đóng băng trên phạm vi toàn cầu do chiến lược hạn chế tiếp xúc xã hội. Hoặc mạnh tay hơn, khi các nước này hủy bỏ lễ hội, đóng cửa biên giới, yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật cần thiết, cả nền kinh tế của họ đều đóng băng (dù ở cấp độ khác nhau). Lúc này lĩnh vực sản xuất cũng bị ảnh hưởng... vốn vay nợ lớn, tăng rủi ro vỡ nợ.

Bạn nên chọn kênh đầu tư nào mà bạn hiểu nhất. Đừng nên nhảy vào một kênh đầu tư chỉ vì tài sản đó đã giảm nhiều và cho rằng nó sẽ tăng nhanh trở lại. Một cổ phiếu rớt 50% vẫn có thể rớt thêm 50% nữa.

Đây là cơ hội 10 năm có 1, nhưng nếu không kiên nhẫn, bạn có thể vẫn mua tài sản với giá cao. Gom tài sản giá rẻ cũng phải gom từ từ cũng như trữ hàng hóa mùa dịch vậy. Đây là một cuộc chơi cần lòng kiên nhẫn và chế ngự lòng tham cũng như nỗi sợ mất cơ hội.

Bên dưới mình sưu tầm một số bài viết hay về tỷ giá trong giai đoạn dịch Covid-19 của TBKTSG số 13/2020 lưu lại kiến thức sử dụng sau này.

1. Tỷ giá biến động trong nguồn cơn khủng hoảng

Nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ tăng vọt, do tâm lý khủng hoảng tác động lên hành vi của nhà đầu tư, đẩy giá đô lên cao và phủ bóng đen lên mọi loại tài sản khác.

2. Dè chừng với cú sốc tỷ giá

Khi nhu cầu tiền mặt tăng cao, nhà đầu tư sẽ lựa chọn nắm giữ đô la Mỹ, vốn luôn được xem là đồng tiền an toàn số 1 trong những lúc rủi ro nhất với niềm tin lâu đời rằng nếu nền kinh tế thế giới sụp đổ thì cõ lẽ nền kinh tế số 1 thế giới này sẽ sụp đổ sau cùng. Thực tế thấy rằng, cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, chính đồng đô la Mỹ chứ không phải vàng mới là tài sản tăng mạnh nhất (30% so với 6% ở đỉnh điểm).

3. Thận trọng trong điều hành tỷ giá

Ở khía cạnh tích cực thì tiền đồng giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì sự cạnh tranh về giá có tác dụng rất hạn chế trong việc bán thêm được hàng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Châu Âu, Mỹ vốn đang đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế để kiểm soát dịch. Thậm chí, nếu để tiền đồng mất giá quá mạnh, Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.

Author Name

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.