Triển vọng cổ phiếu bất động sản công nghiệp 2024

Dọn tổ đón đại bàng, các “ông lớn” trong ngành bất động sản khu công nghiệp như KBC, BCM, IDC và SIP đều đang sẵn sàng chờ đón cơ hội từ làn sóng dịch chuyển và chọn Việt Nam là bến đỗ đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 


Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc, mã chứng khoán: KBC) đang tận dụng tốt lợi thế quỹ đất chất lượng cao, tập trung vào việc cung cấp chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn sẽ đưa Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (thành viên của Kinh Bắc) làm chủ đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn. Với đóng góp mới từ Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.

Kinh Bắc kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 - 2025, với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 5,9% và 33,4%. 

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex, mã chứng khoán: BCM) là nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu với tổng diện tích đất sẵn sàng cho thuê đạt 659 ha, diện tích đất thương mại còn lại là 141 ha tại Thành phố mới Bình Dương (100% thuộc sở hữu của Becamex). Khu công nghiệp mới của Becamex là Khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700 ha sẽ được triển khai trong quý I/2024, hỗ trợ thêm tăng trưởng của Becamex nhờ tỷ lệ lấp đầy tại tỉnh Bình Dương gần như đạt 96%. SSI Research nhận định, ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Becamex lần lượt đạt 10.600 tỷ đồng (tăng 62,5%) và 2.650 tỷ đồng (tăng 54,6%), hoàn thành 117% kế hoạch. 

Năm 2024, ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Becamex lần lượt đạt 7.800 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 64% (tăng 3%) do giá thuê tăng. 

Trong khi đó, Tổng công ty IDICO (mã chứng khoán: IDC) có diện tích sẵn sàng cho thuê lớn lên tới hơn 677 ha chủ yếu tại Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh. Các khu công nghiệp đều còn nhiều quỹ đất và đang thu hút khá nhiều dòng vốn với giá cho thuê lên tới 125 - 135 USD/m2, tập trung tại các vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc và phía Nam. 

IDICO cũng đang đẩy nhanh tiến độ xin chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Tân Phước tại Tiền Giang với tổng diện tích 470 ha, đồng thời triển khai kế hoạch xây dựng hơn 100 ha nhà xưởng xây sẵn, bắt đầu với 10 ha tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch I và 28 ha tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh. 

Đối với Tổng công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP), tổng diện tích khu công nghiệp sở hữu lên tới 3.264 ha. Diện tích còn có thể cho thuê lên tới hơn 1.087 ha, tập trung chủ yếu ở Tây Ninh (gần 800 ha), đặc biệt là các vị trí đắc địa tại TP.HCM (hơn 150 ha), Long Thành (144 ha). Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn II phân kỳ B có tổng diện tích 557 ha đang chờ đơn giá bồi thường, diện tích sẵn sàng cho thuê đạt 290 ha. Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 hầu như đã giải phóng hết và đang có định hướng xây nhà xưởng cho thuê thay vì cho thuê hết diện tích đất. Khu công nghiệp Lộc An Bình Sơn (144 ha sẵn sàng cho thuê) ngay sát sân bay Long Thành cũng có mức giá trên 200 USD/m2/thời gian thuê. Năm 2023, SIP được dự phóng doanh thu có thể tăng 3,57% so với cùng kỳ, đạt 6.523 tỷ đồng.

Trích bài viết: Đón sóng dịch chuyển của tác giả Hải Minh đăng trên Toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2023, trang 58-59.


Các “ông lớn” trong ngành bất động sản khu công nghiệp như KBC, BCM, IDC và SIP đều đang sẵn sàng chờ đón cơ hội từ làn sóng dịch chuyển.

[blogger][facebook][disqus]

Author Name

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.