January 2024

Báo cáo tài chính quý I, niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10 đến 31/12/2023), Tập đoàn Hoa Sen lại cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc, đồng thời phát đi tín hiệu mở rộng kinh doanh trở lại. Trong đó, riêng về kết quả kinh doanh, ngay trong quý I, doanh thu tăng 14,6%, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2%, lên 10,5%. Bên cạnh lợi nhuận khởi sắc, tồn kho trong quý I cũng tăng thêm 396,8 tỷ đồng, lên 8.025,3  tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng tài sản. Việc Công ty bắt đầu tăng tích trữ tồn kho, đồng thời mở rộng khoản phải thu dẫn tới thâm hụt dòng tiền và dòng tiền kinh doanh cũng đã âm 672,9 tỷ đồng trong quý I.



Lý giải việc kết quả kinh doanh chưa cải thiện, nhưng giá cổ phiếu tăng cao, lên mức định giá kỷ lục so với lịch sử, trên cương vị quỹ đầu tư, ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital cho biết, giá thép có thể phục hồi do thị trường kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp giá cổ phiếu thép chuyển biến tích cực.

Kinh doanh có dấu hiệu hồi phục, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bắt đầu tích trữ tồn kho, gia tăng nợ vay để chuẩn bị cho chu kỳ mở rộng mới.

Tương tự, SSI Research cũng có góc nhìn tương đối tích cực về kết quả kinh doanh các công ty thép khi dự báo lợi nhuận đã chạm đáy trong năm 2023 và sẽ phục hồi trong 2 - 3 năm tới. Trong đó, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ tăng cao trong năm 2024 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện; biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm.

Có thể thấy, dù là kịch bản lạc quan hay cách nhìn thận trọng, thì năm 2024 và năm 2025 vẫn được dự báo là năm mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép sẽ hồi phục sau khi chạm đáy vào nửa cuối năm 2022.

Trích trong bài viết: Hoa Sen có dấu hiệu tích trữ trở lại nguồn nguyên liệu của tác giả Bắc Duy đăng trên Báo Đầu tư số 14/2024 ra ngày 31/01/2024 trang 6.



Trong nửa đầu năm 2023, khi hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra chững lại, tồn kho ở các nhà nhập khẩu duy trì mức cao, nhu cầu yếu và giá xuất khẩu giảm, nhưng hàng loạt doanh nghiệp thủy sản vẫn kỳ vọng sức mua sẽ quay lại dịp cuối năm. Song thực tế diễn biến không theo kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp.


Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tiếp tục khó khăn hơn so với kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện toan tính thay đổi chiến lược quản trị tồn kho, theo đó ưu tiên dòng tiền để đảm bảo khả năng tài chính, chờ thị trường hồi phục. 

Thay vì tích trữ tồn kho chờ tăng giá, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) đang giảm tồn kho, giảm khoản phải thu để tối ưu hoá dòng tiền, phát đi tín hiệu thận trọng về quá trình hồi phục của ngành thủy sản, cũng như xuất khẩu cá tra.

Mặc dù lợi nhuận vẫn suy giảm trong quý IV, nhưng bằng việc giảm tồn kho, giảm các khoản phải thu, dòng tiền của Vĩnh Hoàn đã chuyển dịch từ âm 231,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, sang dương 464 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là dấu hiệu cho thấy, Công ty đã ưu tiên dòng tiền hơn là tích trữ tồn kho thâm hụt vốn để chờ thời.

Khi nhu cầu tiêu thụ và giá xuất khẩu cá tra vẫn chưa hồi phục, trong tháng đầu năm 2024 còn chịu thêm áp lực chi phí vận tải tăng cao, thì việc Công ty Vĩnh Hoàn điều chỉnh chiến lược từ tích trữ tồn kho sang ưu tiên bảo vệ dòng tiền là hướng đi hợp lý.

Trích trong bài viết: Vĩnh Hoàn điều chỉnh chiến lược của tác giả Duy Bắc đăng trên Báo Đầu tư số 14/2024 ra ngày 31/01/2024.



Theo nhận định về triển vọng của các doanh nghiệp nhiệt điện (QTP, BTP, PPC, NT2 và HND) trong năm 2024, nhiều công ty chứng khoán đều chung quan điểm, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hưởng lợi, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024, do hiện tượng thời tiết El Nino chưa kết thúc.

  • Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quốc tế khí hậu và xã hội (IRI), từ tháng 11/2023 - hết tháng 4/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất từ 80 - 90%, với cường độ giảm dần trước khi chuyển sang pha trung tính vào giữa năm 2024
  • Thủy điện thiếu hụt: Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
  • Giá than ổn định: Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì nguồn năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng, giúp nhu cầu về than giảm từ năm 2024 và dần ổn định vào năm 2026.

Trích trong bài viết: Nhiệt điện ấm hơn của tác giả Kiều Trang, đăng trên báo Đầu tư Chứng khoán, số 05/2024 ra ngày 29.01.2024

Xung đột biển đỏ khiến giá cước vận tải biển tăng dựng đứng sau khi hàng loạt hãng vận tải định tuyến tàu hàng đi qua mũi Hảo Vọng (Châu Phi) để chuyển hàng đến Châu Âu. Điều này khiến các tàu hàng phải đi vòng thêm khoảng 6000 km và mất thêm 10 ngày trong hải trình Á - Âu. 


Về phương diện đầu tư, trong ngắn hạn những yếu tố này có thể tác động tích cực đến một số nhóm ngành

  1. Hãng vận tải đường biển: nhu cầu tàu hàng vận chuyển gia tăng do các tàu mất thêm nhiều ngày để quay về như trước đó. Điều này cũng làm tăng nhu cầu vỏ container.
  2. Vận tải hàng không: do giá cước vận tải biển tăng cao, chủ hàng sẽ lựa chọn phương án vận tải khác thay thế và trong đó vận tải hàng không là lựa chọn ưu tiên.

Xem xét: HAH, PVT, HPG, VJC


Trích bài viết: Khủng hoảng biển đỏ: giá cước tăng chưa có hồi kết, vận tải biển "đổi vận" của tác giả Đông Phong đăng trên báo Đầu tư số 13/2024 ra ngày 29/01/2024 trang 14.




Trên thế giới hiện có khoảng 75 nước trồng cà phê và chủ yếu tập trung ở Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Khoảng 10 triệu lao động tham gia sản xuất cà phê. Tổng diện tích cà phê thế giới khoảng 10 triệu ha, sản lượng hàng năm trên dưới 8 triệu tấn, đem lại thu nhập cho khoảng 100 triệu người. Nếu kể cả những người trồng và người liên quan đến kinh doanh, dịch vụ và tiêu thụ cà phê thì trên toàn thế giới có khoảng 20-25 triệu người. 

Tại nhiều nước, cà phê chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đối với các quốc gia trồng cà phê chính, mặt hàng này đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện tại có 56 nước xuất khẩu cà phê trên thế giới.


Các vùng trồng cà phê trên thế giới được chia thành 3 nhóm theo mùa vụ thu hoạch.

Mùa vụ thu hoạch (tháng)

Nước trồng cà phê

Tháng 4

Angola, Bolivia, Brazil, Burundi, Ecuador, Indonesia, Madagascar, Malawi, Papua New Guinea, Paraguay, Peru, Rwanda, Timor-Leste, Zimbabwe

Tháng 7

Cộng hòa Công gô, Cộng hòa Dominica, Haiti, Philippines, Tanzania, Zambia, Cuba

Tháng 10

Benin, Cameroon, Cộng Hòa Trung Phi, Colombia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Công gô, Costa Rica, Coote d’Ivoire, El Salvador, Guatemala, Guinea, Guyana, Honduras, India, Jamaica, Kenya, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Liberia, Mexico, Nepal, Nicaragua, Nigeria, Panama, Sierra Leone, Sri Lanka, Thailand, Togo, Trinidad & Tobago, Uganda, Venezuala, Việt Nam, Yemen


Bên dưới là bảng tổng hợp diện tích và năng suất trồng cà phê của 10 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới năm 2023:

NướcDiện tích trồng cà phê (ha)Năng suất (bao)
Brazil2,304,00051,705,833
Việt Nam671,00026,433,000
Colombia933,00010,697,000
Indonesia1,240,0009,790,330
Ethiopia432,0006,310,833
Honduras223,0004,908,333
Uganda208,0003,748,667
Mexico633,0004,091,667
Guatemala223,0003,801,667
Peru390,0003,500,000

  1. Trong khoảng 20 năm từ 1998 đến 2017, sản lượng cà phê các quốc gia có mùa vụ thu hoạch vào tháng 7 biến động rất thấp, dường như không thay đổi. 
  2. Nhóm quốc gia có mùa vụ thu hoạch vào tháng 4 có sản lượng biến động mạnh qua các năm và thường tuân theo quy luật năm có sản lượng cao, năm có sản lượng thấp rất rõ trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, từ 2010 trở lại đây có mức độ biến động sản lượng qua các năm thấp hơn. 
  3. Nhóm quốc gia sản xuất cà phê có mùa vụ thu hoạch vào tháng 10, sản lượng cà phê biến động qua các năm thấp hơn và có chiều hướng tăng ổn định hơn so với các nước có vụ mùa thu hoạch vào tháng 4.
Sản lượng cà phê của 10 nước có xu hướng biến động phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu; trong đó rõ nhất là 2 nước sản xuất cà phê có sản lượng lớn nhất thế giới, đó là Brazil và Việt Nam. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự biến động này. 

Tại Việt Nam, vụ cà phê 2015/2016 hạn hán đã ảnh hưởng đến trên 100.000 ha cà phê ở vùng Tây Nguyên dẫn đến việc giảm sản lượng. Mặt khác, do ở Việt Nam, diện tích tái canh gia tăng nhanh cùng với việc chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi sang trồng nên đã ảnh hưởng một phần đến sản lượng cà phê trong vòng 2 năm trở lại đây. Sản lượng cà phê các nước như Colombia, Indonesia có chiều hướng gia tăng khá ổn định trong vòng 6 năm trở lại đây do diện tích cà phê được phục hồi.


... Theo kết luận thanh tra, năm 2021:

  • Prudential phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất của những hợp đồng này (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%. 
  • Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance trong năm 2021, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (năm thứ nhất), tương ứng với tỷ lệ 4,05%; 
  • Còn tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank là 73%, ACB là 39%. 
  • Với BIDV Metlife, trong năm 2021, doanh nghiệp bảo hiểm này chỉ triển khai bán bảo hiểm thông qua ngân hàng mẹ BIDV và phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%. 
  • Tại MB Ageas, năm 2021, doanh nghiệp phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, trong đó 3.946 hợp đồng bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc, tương ứng tỷ lệ 5,91%; còn tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) là 32,4%. 


Tỷ lệ hủy hợp đồng được công khai cho thấy một phần hoạt động bán hàng của các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Tỷ lệ duy trì hợp đồng “mơ ước” của các công ty bảo hiểm là trên 80%. Vì thế, kết quả cuộc thanh tra không chỉ lộ ra tỷ lệ duy trì hợp đồng “không đẹp như mơ”. Tất nhiên, đây không phải là chuyện riêng của 4 công ty bảo hiểm, mà là cả thị trường. 

Công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm hàng năm là cần thiết, vừa giúp gia tăng tính minh bạch, vừa buộc các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý/tư vấn viên.



Điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giúp công ty bảo hiểm giải thoát khỏi nghĩa vụ bồi thường khi người được bảo hiểm tử vong trong một số trường hợp nhất định. Hãy cùng phân tích một số trường hợp loại trừ bảo hiểm gây tranh cãi gần đây trên Bài viết Điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: con dao hai lưỡi? của tác giả Hoàng Ngọc Phan đăng trên tạp chí Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 25/01/2024 trang 54-55.



Điều quan trọng đối với khách hàng trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là đọc kỹ nội dung hợp đồng nói chung và điều khoản loại trừ nói riêng, xem hợp đồng của công ty bảo hiểm nào bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình thì hãy ký.



Với nhận định giá dầu bình quân cả năm 2024 sẽ được neo ở mức 80 USD/thùng giúp củng cố thêm các yếu tố tiềm năng tăng giá của nhóm cổ phiếu Dầu khí trong năm 2024. 

Giá dầu dự báo neo ở mức cao, chuỗi dự án lớn Lô B- Ô Môn, cùng nhiều dự án thăm dò khai thác khác đang được triển khai tích cực, cộng với đà tăng trưởng, thiết lập nền tảng vững chắc thời gian qua củng cố triển vọng “Khả quan” của nhóm cổ phiếu Dầu khí: BSR, GAS, PVD, và PVS.

BSR

Niêm yết cổ phiếu lên HoSE vẫn sẽ là động lực tăng giá tiềm năng

Crackspreads sản phẩm DO (chiếm khoảng 40% doanh thu của BSR) cải thiện, hỗ trợ cho biên lợi nhuận gộp của BSR. BSR đang tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, dự kiến niêm yết trên HSX trong năm 2024, hứa hẹn tăng thanh khoản cho cổ phiếu và tăng khả năng huy động vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Giá dầu trung bình năm 2024 ước tính dao động ở mức cao sẽ tiếp tục giúp kết quả kinh doanh thực tế của BSR được duy trì ở mức ổn định cao hơn kế hoạch. Dự kiến cổ tức tiền mặt cho năm 2023 của BSR có tỷ lệ là 7%. BSR đã tích lũy được số dư tiền ròng dồi dào lên tới 27.400 tỷ đồng (1,12 tỷ USD), đảm bảo cho nhu cầu đầu tư lớn trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, có một số rủi ro như, crackspreads các sản phẩm xăng có xu hướng giảm, tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận gộp của BSR;

Việc tiến hành bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất lần thứ 5 (50 ngày) trong năm 2024 dự kiến sẽ khiến doanh thu của BSR giảm 10%. 

Theo Công ty CP chứng khoán VNDIRECT, dù lợi nhuận năm 2024 dự kiến giảm do đợt bảo dưỡng, mức định giá hiện nay của BSR vẫn khá hấp dẫn nhờ khả năng sinh lời và hiệu suất vận hành của BSR cao hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

GAS

Triển vọng từ lĩnh vực LNG và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn

Giá LNG trên thị trường thế giới có xu hướng ổn định trong năm 2024 là điều kiện thuận lợi để kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải bước vào giai đoạn vận hành, chạy thử, tạo tiền đề cung cấp khí ổn định cho đối tác Nhơn Trạch 3 và 4 trong năm 2024. 

Bên cạnh đó, Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn khi có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) với sản lượng khai thác dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn doanh thu lớn, ước tính hơn 7 tỷ USD trong suốt quá trình vận hành. GAS đã tăng vốn điều lệ tương đương 23.000 tỷ đồng; dự kiến trả cổ tức tiền mặt cho năm 2023 với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.


PVD

Lịch trình khoan bận rộn trong hai năm tới

Giá thuê giàn trung bình trong năm 2024 dự kiến vẫn tăng nhờ vào giá dầu Brent được neo ở mức cao và nhu cầu thuê giàn khoan tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung giàn vẫn khan hiếm do lượng đóng mới thấp, là tín hiệu tốt cho các nhà thầu khoan như PVD. Các giàn khoan của PVD đã có việc làm trong năm 2024. Giàn I, II, VI có hợp đồng kéo dài sang năm 2025. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, thị trường trong nước sẽ cung cấp lượng việc làm tiềm năng rất lớn cho PVD từ cuối 2025 trở đi với nhiều dự án E&P đang được triển khai.

Theo VNDIRECT, cổ phiếu PVD định giá hấp dẫn nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp. PVD đang giao dịch ở mức P/B là 1,1x, bằng với mức trung bình lịch sử kể từ năm 2010 và thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tỷ lệ P/E trượt ở mức cao là 36,7x cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng kép 2 năm đạt 52,8%. VNDIRECT duy trì khuyến nghị “Khả quan” cho PVD với giá mục tiêu 34.500 đồng nhờ triển vọng tăng trưởng vững chắc của doanh nghiệp và giá trị đội giàn khoan hiện tại tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. PVD hiện đang giao dịch ở mức giá 27.250 đồng/cổ phiếu (ngày 22/1/2024).


PVS

Dự án Lô B – Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn

Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, nếu FID được phê duyệt sẽ giúp PVS có thể ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng với giá trị ước đạt 1 tỷ USD bắt đầu từ năm 2024. PVS có thể sẽ được hưởng lợi từ dự án mỏ Lạc Đà Vàng Lô 15-1/05 với gói đấu thầu xây dựng 1 giàn xử lý trung tâm và 1 giàn đầu giếng với tổng giá trị hợp đồng là 283 triệu USD. Nhìn chung, chuỗi dự án Lô B với lượng công việc khổng lồ sẽ là động lực tăng trưởng chính của PVS trong hai năm tới. 

Bên cạnh đó, lĩnh vực điện gió ngoài khơi ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ, mang lại lượng công việc ước tính 800 triệu USD cho mảng cơ khí (M&C). Theo xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh trên toàn cầu, điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực đầy hứa hẹn, mang lại tiềm năng rất lớn cho mảng M&C trong dài hạn. 

Bên cạnh đó, giá dầu Brent trung bình ở mức cao sẽ giúp các dự án dầu khí trở nên khả thi và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí như PVS.

VNDIRECT duy trì khuyến nghị “Khả quan” cho PVS với giá mục tiêu 47.400 đồng, triển vọng tích cực của công ty nhờ vào khối lượng công việc khổng lồ trong mảng M&C và giá dầu dự kiến vẫn sẽ ở mức cao trên 80 USD/thùng trong hai năm tới. PVS hiện đang giao dịch ở mức giá 36.700 đồng/cổ phiếu (ngày 22/1/2024).

Nguồn: PetroTimes

Quỹ đất sẵn sàng cho thuê dồi dào, “của để dành” lớn và sức mạnh tài chính tốt là điểm cộng giúp các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đảm bảo tăng trưởng dài hạn khi kinh tế phục hồi.

Khi đánh giá tiềm năng, cũng như sức mạnh tài chính để dự phóng bức tranh tài chính của một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, nhà đầu tư thường quan tâm tới hai chỉ báo. 

  • Đầu tiên, đối với doanh nghiệp cho thuê đất ghi nhận 50 năm, doanh thu dài hạn chưa ghi nhận là số tiền mà các đơn vị thuê đất trả tiền một lần, chờ ghi nhận - đây là “của để dành” đảm bảo tăng trưởng dài hạn. 
  • Thứ hai là quỹ đất sẵn sàng cho thuê, từ đó dự phóng doanh thu có thể ghi nhận trong những năm sắp tới. 

Đối với doanh thu dài hạn chưa ghi nhận, tính tới ngày 30/9/2023, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) đang sở hữu 2.936,7 tỷ đồng, chiếm 66,3% tổng nguồn vốn; Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) sở hữu tới 11.232,7 tỷ đồng, chiếm 55,2% tổng nguồn vốn; Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần (mã IDC) sở hữu 5.159,8 tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng nguồn vốn; Tổng công ty Viglacera - Công ty cổ phần (mã VGC) sở hữu 2.652,7 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng nguồn vốn… 

Một số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu một lần như Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - Công ty cổ phần (mã KBC), Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã SZC)… 


Việc sở hữu doanh thu dài hạn chưa ghi nhận do cách ghi nhận 50 năm, phân bổ đều, đây thực tế là số tiền Công ty đã nhận, chỉ chờ hạch toán sang vốn chủ sở hữu khi đủ điều kiện ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Chính vì vậy, giá trị doanh thu dài hạn chiếm từ hơn 30% đến hơn 70% tổng nguồn vốn sẽ đảm bảo doanh thu ổn định trong một thời gian dài đối với công ty, chưa kể quỹ đất mới tiếp tục phát triển và sẵn sàng cho thuê. 

Quỹ đất sẵn sàng cho thuê Bên cạnh yếu tố “của để dành lớn”, nhà đầu tư quan tâm quỹ đất sẵn sàng cho thuê, đây sẽ là động lực tăng trưởng của nhóm bất động sản khu công nghiệp. Tại IDICO (mã chứng khoán: IDC), trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận ký thoả thuận giữa hai bên khoảng 122 ha đất có thể cho thuê (kế hoạch năm cho thuê 100 ha). Trong đó, các khách hàng lớn ký thoả thuận có thể thuê gồm PepsiCo thuê 20 ha tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh với giá 130 USD/m2/ chu kỳ thuê; Hyosung thuê 25 ha tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II với giá 125 USD/ m2/chu kỳ thuê… 

Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, IDICO còn diện tích thương phẩm khá lớn ở các khu công nghiệp. Trong đó, Khu công nghiệp Phú Mỹ II còn lại 119 ha (tỷ lệ lấp đầy 73%); Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng còn 117 ha (tỷ lệ lấp đầy 7%); Khu công nghiệp Hựu Thạnh còn 294 ha (tỷ lệ lấp đầy là 26%); Khu công nghiệp Quế Võ II còn 71 ha (tỷ lệ lấp đầy là 60%); Khu công nghiệp Cầu Nghìn còn lại 76 ha (tỷ lệ lấp đầy là 26%). 

Theo kế hoạch, trong năm 2023, IDICO sẽ cho thuê 100 ha, năm 2024 sẽ cho thuê 144 ha…, với kế hoạch cho thuê, biên bản ghi nhớ giữa đối tác và quỹ đất sẵn có. Đây là cơ sở để tin rằng, tình hình tài chính của IDICO tiếp tục tăng trưởng nhờ quỹ đất cho thuê mới, cũng như chuyển cách hạch toán 50 năm sang 1 lần tại các khu công nghiệp hiện hữu. 

Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG chia sẻ, Công ty còn lại quỹ đất tương đối lớn có thể phát triển. Trong đó, Khu công nghiệp Phước Đông còn lại đất thương phẩm khoảng 799,6 ha, giá cho thuê khoảng 80 - 100 USD/m2/chu kỳ thuê; Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn còn khoảng 131,25 ha, giá cho thuê 210 - 230 USD/m2/chu kỳ thuê; Khu công nghiệp Đông Nam còn khoảng 24,78 ha, giá cho thuê khoảng 260 USD/m2/chu kỳ thuê; Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 còn lại khoảng 105,44 ha, giá cho thuê khoảng 290 USD/m2/chu kỳ thuê. 

Tính đến cuối quý III/2023, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) cho biết, quỹ đất còn lại hơn 1.200 ha đất khu công nghiệp và khoảng 170 ha đất khu đô thị đã giải phóng mặt bằng tại Dự án Khu đô thị Phước Đông giai đoạn A. Trong đó, 700 ha đã được giao đất (500 ha đất là thương phẩm) và 600 ha đất đã có chủ trương đầu tư. “Việc sở hữu quỹ đất lớn giúp Công ty duy trì triển vọng cho thuê đất và tạo dư địa tăng trưởng dài hạn, bởi kỳ vọng nhu cầu tăng do nguồn cung đất hiện tại hạn chế ở các tỉnh phía Nam, cũng như giá đất tăng”, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap đánh giá về triển vọng của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG. Với quỹ đất còn lại khoảng 1.200 ha, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG chia sẻ, sẽ đảm bảo khả năng phát triển bền vững trong vòng 3 - 5 năm tới. 

Tại Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC), có hơn 300 ha đất sẵn sàng cho thuê tại Bà Rịa - Vũng Tàu và được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng được cải thiện thông qua đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng Cái Mép và Gemalink. Trong đó, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính, nửa cuối năm 2023, lợi nhuận của Công ty Sonadezi Châu Đức có thể tăng trưởng 110% so với cùng kỳ do tiếp tục ghi nhận diện tích cho thuê còn lại của Tổng công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) và Dự án Khu đô thị Sonadezi Hữu Phước.

Trích bài viết: Kiểm kê của để dành của tác giả Hạc Hiên đăng trên Toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2023, trang 242 - 243.

Hàng tồn kho là một trong những áp lực lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023. Hàng tồn kho có tính hai mặt, việc tăng lượng hàng tồn kho nếu nằm trong kế hoạch sẽ là lợi thế của doanh nghiệp khi thị trường quay lại quỹ đạo phát triển ổn định. Song, đặt trong bối cảnh rất nhiều điểm nghẽn pháp lý còn trói chân các chủ đầu tư, lượng hàng tồn kho chưa phải là thành phẩm thực sự đáng lo ngại.

Lượng hàng tồn kho lớn có thể là “của để dành” quan trọng của doanh nghiệp khi thị trường phục hồi, nhưng nếu đó là hàng dở dang do vướng pháp lý thì lại là… cục nghẹn khó nuốt. 


Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2023 của 10 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho ròng tại thời điểm cuối quý III/2023 đạt 270.099 tỷ đồng (khoảng 11,1 tỷ USD), tăng lần lượt 4% và 35% so với cùng kỳ năm 2022 và 2021.

Trong đó, Novaland là doanh nghiệp dẫn đầu với khoảng 137.594 tỷ đồng, riêng giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng chiếm gần 92,2%; phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng. 

Vinhomes đứng thứ hai với khoảng 54.628 tỷ đồng, giảm chưa tới 500 tỷ đồng so với quý II/2023, nhưng so với hồi đầu năm 2023, hàng tồn của Vinhomes đã giảm hơn 10.000 tỷ đồng.

Tương tự, hàng tồn kho của Becamex IDC tính đến cuối quý III/2023 đạt 22.166 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm, phần lớn do tăng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án của doanh nghiệp. Đáng chú ý, doanh nghiệp còn gần 2.142 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án như Hòa Lợi, TĐC Plaza, TĐC Hòa Lợi, Unitown - giai đoạn 2, Lake View… 

Đứng sau ba ông lớn này với mức tồn kho trên 10.000 tỷ đồng là nhóm các nhà phát triển gồm Khang Điền, Nam Long, Đất Xanh và Phát Đạt. 

  • Khang Điền ghi nhận hàng tồn kho tăng mạnh, đạt 17.152 tỷ đồng (tăng 38%). Phần lớn hàng tồn kho của Khang Điền đến từ các dự án dở dang, như: Khang Phúc - khu dân cư Tân Tạo (5.932 tỷ đồng, tăng 11%), Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông (3.368 tỷ đồng, tăng 3%)… 
  • Nam Long cũng ghi nhận hàng tồn kho tính đến cuối quý III/2023 đạt 16.800 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm nay. Trong đó, tồn kho ở dự án Izumi 9.037 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm; tồn kho ở dự án Waterpoint giai đoạn 1 là 3.556 tỷ đồng - giai đoạn 2 là 1.527 tỷ đồng; dự án Hoàng Nam (Akari) hơn 1.047 tỷ đồng… 
  • Trong khi đó, hàng tồn kho của Đất XanhPhát Đạt lại ghi nhận giảm nhẹ, lần lượt 14.800 tỷ đồng và 12.150 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục hàng tồn kho của Đất Xanh vẫn là bất động sản dở dang, với giá trị 10.745 tỷ đồng, giảm 8,3% so với đầu năm. Bất động sản thành phẩm tăng gần gấp đôi, đạt giá trị gần 3.141 tỷ đồng.

Trích bài viết: Hai mặt của hàng tồn kho của tác giả Trọng Tín đăng trên Toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2023, trang 240 - 241.



Dọn tổ đón đại bàng, các “ông lớn” trong ngành bất động sản khu công nghiệp như KBC, BCM, IDC và SIP đều đang sẵn sàng chờ đón cơ hội từ làn sóng dịch chuyển và chọn Việt Nam là bến đỗ đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 


Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc, mã chứng khoán: KBC) đang tận dụng tốt lợi thế quỹ đất chất lượng cao, tập trung vào việc cung cấp chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn sẽ đưa Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (thành viên của Kinh Bắc) làm chủ đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn. Với đóng góp mới từ Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.

Kinh Bắc kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 - 2025, với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 5,9% và 33,4%. 

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex, mã chứng khoán: BCM) là nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu với tổng diện tích đất sẵn sàng cho thuê đạt 659 ha, diện tích đất thương mại còn lại là 141 ha tại Thành phố mới Bình Dương (100% thuộc sở hữu của Becamex). Khu công nghiệp mới của Becamex là Khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700 ha sẽ được triển khai trong quý I/2024, hỗ trợ thêm tăng trưởng của Becamex nhờ tỷ lệ lấp đầy tại tỉnh Bình Dương gần như đạt 96%. SSI Research nhận định, ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Becamex lần lượt đạt 10.600 tỷ đồng (tăng 62,5%) và 2.650 tỷ đồng (tăng 54,6%), hoàn thành 117% kế hoạch. 

Năm 2024, ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Becamex lần lượt đạt 7.800 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 64% (tăng 3%) do giá thuê tăng. 

Trong khi đó, Tổng công ty IDICO (mã chứng khoán: IDC) có diện tích sẵn sàng cho thuê lớn lên tới hơn 677 ha chủ yếu tại Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh. Các khu công nghiệp đều còn nhiều quỹ đất và đang thu hút khá nhiều dòng vốn với giá cho thuê lên tới 125 - 135 USD/m2, tập trung tại các vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc và phía Nam. 

IDICO cũng đang đẩy nhanh tiến độ xin chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Tân Phước tại Tiền Giang với tổng diện tích 470 ha, đồng thời triển khai kế hoạch xây dựng hơn 100 ha nhà xưởng xây sẵn, bắt đầu với 10 ha tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch I và 28 ha tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh. 

Đối với Tổng công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP), tổng diện tích khu công nghiệp sở hữu lên tới 3.264 ha. Diện tích còn có thể cho thuê lên tới hơn 1.087 ha, tập trung chủ yếu ở Tây Ninh (gần 800 ha), đặc biệt là các vị trí đắc địa tại TP.HCM (hơn 150 ha), Long Thành (144 ha). Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn II phân kỳ B có tổng diện tích 557 ha đang chờ đơn giá bồi thường, diện tích sẵn sàng cho thuê đạt 290 ha. Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 hầu như đã giải phóng hết và đang có định hướng xây nhà xưởng cho thuê thay vì cho thuê hết diện tích đất. Khu công nghiệp Lộc An Bình Sơn (144 ha sẵn sàng cho thuê) ngay sát sân bay Long Thành cũng có mức giá trên 200 USD/m2/thời gian thuê. Năm 2023, SIP được dự phóng doanh thu có thể tăng 3,57% so với cùng kỳ, đạt 6.523 tỷ đồng.

Trích bài viết: Đón sóng dịch chuyển của tác giả Hải Minh đăng trên Toàn cảnh thị trường bất động sản năm 2023, trang 58-59.


Căng thẳng ở Biển Đỏ thời gian qua được giới phân tích đánh giá có khả năng gây ra biến động trong giá cao su kỳ hạn và giao ngay. 

Giá cao su tự nhiên thường điều chỉnh theo giá dầu

Trong khi giá dầu đang có diễn biến tăng, trong bối cảnh nhiều tàu chở dầu và khí đốt được chuyển hướng khỏi tuyến qua Biển Đỏ, làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển. Theo đó, giá dầu đi lên kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Sản phẩm cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp là cao su thiên nhiên cũng có diễn biến giá tích cực

Giá cao su được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt khi Thái Lan - nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới đang chịu ảnh hưởng thời tiết bất lợi, mưa dông nhiều. Bên cạnh đó, kỳ vọng ngành ô tô toàn cầu hồi phục đã thúc đẩy thị trường cao su “ấm” hơn. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam cũng như thế giới được kỳ vọng tăng trưởng tích cực, khi nước này đang đẩy mạnh các chính sách kích thích kinh tế, kéo theo nhu cầu tiêu thụ cao su trong ngành sản xuất ô tô gia tăng. 

Tại Thái Lan, nhu cầu về cao su được hỗ trợ trong dài hạn khi các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản đang lên kế hoạch đầu tư tổng cộng 4,3 tỷ USD trong 5 năm tới vào “đất nước chùa tháp”, nhằm hỗ trợ quốc gia sản xuất và xuất khẩu ô tô hàng đầu khu vực Đông Nam Á này chuyển đổi sang sản xuất xe điện. 


Bối cảnh vĩ mô hỗ trợ cùng đà phục hồi của giá cao su đã có tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vàng trắng” trong tuần qua, cả giá và thanh khoản được cải thiện như mã BRC của Cao su Bến Thành, mã DRC của Cao su Đà Nẵng, mã GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam… 

  • Tại Cao su Đà Nẵng (DRC), năm 2024 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ Nhà máy Radial giai đoạn 3 đã đi vào hoạt động trong tháng 12/2023 và triển vọng đơn hàng mới đối với sản phẩm lốp PCR (dành cho xe tải, xe chở khách). Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, biên lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng sẽ được cải thiện, khi suất đầu tư của dây chuyền mới thấp hơn 50% so với trước đây, cùng với xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu đầu vào. Năm 2024, Cao su Đà Nẵng có thể đạt doanh thu 5.710 tỷ đồng, tăng 25% và lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng, tăng 43,8% so với năm 2023. 
  • Kết quả kinh doanh năm 2024 của Cao su Đồng Phú (DPR) được nhận định sẽ cải thiện nhờ giá bán cao su đang tăng. Ngoài ra, Công ty dự kiến sẽ nhận tiền đền bù từ hai dự án khu dân cư Tiến Hưng 1 và Tiến Hưng 2 tại tỉnh Bình Phước. Ước tính, trong năm 2024, doanh nghiệp này sẽ nhận được khoản tiền 119 tỷ đồng từ UBND tỉnh Bình Phước cho Khu dân cư Tiến Hưng 1 và 2. Theo Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, Cao su Đồng Phú sở hữu diện tích cao su hơn 16.000 ha, trong đó tại Bình Phước có hơn 9.000 ha. Tỉnh Bình Phước có kế hoạch thu hồi 2.000 ha của Cao su Đồng Phú, mức giá đền bù từ 900 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha. 
  • Trong khi đó, Cao su Phước Hòa (PHR) có dự án khu công nghiệp dự kiến được khai thác trong năm nay, sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận. Cụ thể, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 (quy mô 345 ha) và VSIP III (quy mô 691 ha) là hai dự án được kỳ vọng sẽ được lấp đầy nhanh sau khi đưa vào khai thác, do nhu cầu thuê đất khu công nghiệp ở Bình Dương cao và có triển vọng đón làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam. Cao su Phước Hòa đang sở hữu 32,85% vốn tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và ghi nhận 20% lợi nhuận từ Khu công nghiệp VSIP III.

Trích từ bài: Cổ phiếu "vàng trắng" tăng sức hút của Hải Minh, đăng trên báo Đầu tư Chứng khoán số 4/2024 ra ngày 22.01.2024 (trang 18 - 19).




Chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy trong dài hạn khi chưa có một giải pháp nào mang tính khả thi lâu dài cho kênh đào Panama đang "khát nước".

Một nguyên nhân sâu xa của lượng mưa giảm ở Panama có liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ. Điều này cho thấy nguồn nước từ mưa cho việc khai thác kênh đào Panama sẽ không phải chỉ trong ngắn hạn mà sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Trích trong bài viết: Hạn hán ở kênh đào Panama đe dọa dứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu của tác giả Nguyễn Bảo Quốc trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 18/01/2024 trang 62-63.



Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo một sự sụt giảm trong sản lượng hồ tiêu của các nhà xuất khẩu chính, cụ thể: Việt Nam giảm 10-15% so với năm 2023 (đạt chừng 160 - 165 nghìn tấn), Indonesia giảm 20-30%, Ấn Độ (giảm 20%), Brazil (giảm 15%). VPSA cũng dự kiến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chỉ quanh mức 250 nghìn tấn trong năm nay.

Khi điều kiện sống của các nhà vườn hồ tiêu đã khá hơn khi giá các loại các cây công nghiệp dài ngày (sầu riêng, cà phê,...) tăng giá tốt, do vậy, họ có nhiều lựa chọn để trang trải cho chi tiêu gia đình mà không cần vội vàng bán hồ tiêu. Trong khi nhu cầu hồ tiêu ở Trung Quốc (món gia vị được yêu chuộng) đã lấy lại nhịp tiêu thụ. 

Năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu trên 60 nghìn tấn hồ tiêu các loại của Việt Nam (chiếm gần 23% tổng lượng xuất khẩu) và tăng 174% so với năm 2022.

Trích trong bài:

Hồ Tiêu: Thị trường đã bắt đầu chịu nghe nhà vườn? của tác giả Nguyễn Quang Bình, trên báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 18/01/2024 trang 25.

Theo CafeF, dựa trên số liệu năm 2023:
  • Châu Á là khu vực thị trường lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam, chiếm 52,7% thị phần. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt 60.135 tấn.
  • Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 về thị phần xuất khẩu chiếm 22,8%, trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 54.271 tấn, chiếm 20,5%
  • Thị trường châu Âu chiếm 19,5%.
  • Tiếp theo là các thị trường Ấn Độ (4.9% với 12.812 tấn), UAE (4.6% với 12.132 tấn), Philippines (3.0% với 8.021 tấn).


Công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhưng chưa mạnh. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà nền kinh tế Việt Nam nhận được ngày càng nhỏ đi. Điều đó cho thấy tình hình sản xuất của nhóm ngành này ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện hơn.

Kết quả tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ gia tăng thêm so với giá trị sản xuất chung của nền kinh tế đều sụt giảm trong giai đoạn 2016 - 2023 so với giai đoạn 2007 - 2015. Đặc biệt là ở nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi ngành này có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đối với nền kinh tế thấp và ngày càng thấp.

Kết quả tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể còn cho thấy xuất khẩu tuy làm tăng giá trị sản xuất nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng giảm và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh. Với cấu trúc ngành như vậy, chứng tỏ hiệu quả sản xuất của ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém. Sản xuất dù nhiều, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít. 

... việc công nghiệp hóa theo hướng phát triển rộng, thay vì, đi vào chiều sâu có thể chỉ làm đất đai bị sử dụng không hiệu quả, tài nguyên thiên nhiên mất đi và môi trường bị hủy hoại. Hơn nữa với cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập càng sâu thì càng bộc lộ nhiều điểm yếu.


Trích trong bài: 

Phân tích thay đổi cấu trúc GDP của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2023 của tác giả Bùi Trinh trong tạp chí Thời báo kinh tế Sài Gòn số ra ngày 18/01/2024 trang 16-17.


Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa (thành viên hội đồng cố vấn Harvard Bussiness Review) đánh giá về bản chất xuất siêu của Việt Nam năm 2023. Theo đó, phần lớn xuất siêu đến từ khu vực FDI (với mức thặng dư 46,6 = 256,9 - 210 tỷ USD) trong khi khu vực kinh tế trong nước là thâm  hụt 21,7 tỷ USD (95,55 - 117,29). Trong chuỗi sản xuất của khu vực FDI, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam chủ yếu tham gia ở khâu gia công, nhận mức giá trị thấp, dù có xuất siêu thì nền kinh tế Việt Nam không được hưởng lợi nhiều, cũng như về lâu dài thì thành tích xuất siêu này cũng không mang tính bền vững. 

Ngoài ra, xét riêng khu vực kinh tế trong nước tỷ lệ giảm trong nhập khẩu lớn hơn trong xuất khẩu. Thực tế là đa phần kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nguyên vật liệu cho ngành sản xuất, vậy nên nếu kim ngạch nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu sắp tới.

Dù nền kinh tế tám năm liên tiếp thặng dư thương mại nhưng khối doanh nghiệp trong nước luôn trong tình trạng nhập siêu. Điều này phản ánh năng lực sản xuất, năng lực công nghệ của khu vực kinh tế nội địa. Chính sách trải thảm đỏ thu hút FDI, nếu không nâng cao được hàm lượng công nghệ, tạo nền tảng để sản xuất trong nước hướng tới, bắt kịp sẽ khiến các doanh nghiệp nội địa gánh thêm một sức ép khác. 

Trích theo bài viết: Bản chất của thành tích xuất siêu 28,3 tỷ đô trên báo Kinh tế Sài Gòn ra ngày 18/01/2024 trang 21.


 

Tập đoàn KIDO trở thành một “tay chơi” lớn khi liên tục thực hiện chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A), cũng như chốt lời các thương vụ sau khi phát triển thành công cho đối tác. Tập đoàn KIDO luôn áp dụng chiến lược M&A và phát triển tới một vị thế nhất định trong ngành và nếu được giá, KIDO sẵn sàng bán cho đối tác để mở rộng lĩnh vực mới. 


Chúng ta hãy cùng nhìn lại một số thương vụ điển hình.

  • Tháng 4/2023, Tập đoàn KIDO đã thông qua chuyển nhượng 51% phần vốn góp tại Công ty Thực phẩm đông lạnh KIDO cho Nutifood. Đối với mảng kem, cách đây hơn 20 năm (năm 2003), Tập đoàn KIDO đã mua lại Kem Wall’s từ Unilever.
  • Cuối năm 2014, KIDO thông báo bán 80% mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) với giá 370 triệu USD
  • Tập đoàn KIDO thâu tóm chi phối các thương hiệu dẫn đầu như Dầu Tường An, Vocarimex và Golden Hope Nhà Bèđể vươn lên vị trí thứ 2 của ngành, chiếm 82% doanh thu của tập đoàn.
  • Tháng 10/2023, Tập đoàn KIDO cho biết, đã tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Thọ Phát lên 68% cổ phần để mở rộng phân phối bánh bao ra thị trường miền Bắc, miền Trung và năm 2024 sẽ bán các sản phẩm chế biến như thịt kho trứng, xíu mại, bò kho, rau củ chế biến...
Nguồn: Báo đầu tư, số 6/2024 ra ngày 12/1/2024




PTSC (Mã chứng khoán: PVS) là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được phép triển khai các hoạt động khảo sát phục vụ phát triển dự án điện gió ngoài khơi, sản xuất điện sạch sang Singapore, PTSC đã mở ra bước ngoặt trong việc phát triển lĩnh vực hoạt động mới, đảm bảo duy trì sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong thời gian tới. 


PTSC là thành viên duy nhất của tập đoàn dầu khí Việt Nam, có đủ năng lực và cơ sở pháp lý để tham gia đầu tư và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. PTSC có năng lực tham gia cung cấp dịch vụ cho tất cả các khâu của một dự án dầu khí; sở hữu cơ sở vật chất, bãi chế tạo và lực lượng gần 10000 lao động chuyên môn cao có thể tham gia cung cấp dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo.

PTSC ghi dấu ấn cơ khí chế tạo dầu khí liên tục thắng thầu các dự án dầu khí có quy mô và giá trị lớn cho cả trong và ngoài nước. Điển hình là thương vụ 300 triệu USD với Orsted để sản xuất 33 kết cấu móng trụ tuabin cho trang trại điện gió ngoài khơi tại Đài Loan. Tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài trong năm 2023 của PTSC đã đạt trên 55% cho thấy nỗ lực chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của PTSC.

Nguồn: Tạp chí Năng lượng mới, số 168 ra ngày 9-1-2024.



  • Khí đốt vs Than: Nguồn dự trữ dồi dào sẽ khiến giá khí đốt giảm, không chỉ ở Châu Âu mà còn ở Châu Á. Từ đó khuyến khích việc chuyển đổi từ than sang khí đốt trong sản xuất điện ở nhiều nơi. Điều này sẽ giúp giá than giảm, vốn đã đi xuống trong thời gian qua do sản lượng tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ngành nhiệt điện, sản xuất thép.
  • Kim loại cần thiết cho quá trình sản xuất xanh: nguồn cung lithium và niken đang bùng nổ, nguồn cung coban (sản phẩm phụ của quá trình sản xuất đồng và niken) cũng tăng mạnh --> Giá giảm.
  • Lương thực: hoạt động trồng ngũ cốc và đậu nành được tăng cường. Tỉ lệ lương thực dự trữ trung bình của các nước xuất khẩu sẽ tăng từ 13% - 16% (cao nhất kể từ niên vụ 2018 - 2019)


Tuy nhiên, cần quan tâm đến các yếu tố khó lường trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 bởi thế giới vẫn còn nhiều bất ổn về địa chính trị (cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột Trung Đông), tăng trưởng kinh tế (lãi suất ở Mỹ, phục hồi cầu tiêu dùng ở Trung Quốc...) và các ảnh hưởng thời tiết bất thường (mùa đông khắc nghiệt ở Châu Âu, khô hạn ở nhiều nước Châu Á).

Nguồn: Tổng hợp từ bài "Các yếu tố khó lường với thị trường hàng hóa năm 2024" trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 2/2024 ra ngày 11/01/2024.



Author Name

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.