Triển vọng cổ phiếu dầu khí năm 2024

Với nhận định giá dầu bình quân cả năm 2024 sẽ được neo ở mức 80 USD/thùng giúp củng cố thêm các yếu tố tiềm năng tăng giá của nhóm cổ phiếu Dầu khí trong năm 2024. 

Giá dầu dự báo neo ở mức cao, chuỗi dự án lớn Lô B- Ô Môn, cùng nhiều dự án thăm dò khai thác khác đang được triển khai tích cực, cộng với đà tăng trưởng, thiết lập nền tảng vững chắc thời gian qua củng cố triển vọng “Khả quan” của nhóm cổ phiếu Dầu khí: BSR, GAS, PVD, và PVS.

BSR

Niêm yết cổ phiếu lên HoSE vẫn sẽ là động lực tăng giá tiềm năng

Crackspreads sản phẩm DO (chiếm khoảng 40% doanh thu của BSR) cải thiện, hỗ trợ cho biên lợi nhuận gộp của BSR. BSR đang tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, dự kiến niêm yết trên HSX trong năm 2024, hứa hẹn tăng thanh khoản cho cổ phiếu và tăng khả năng huy động vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Giá dầu trung bình năm 2024 ước tính dao động ở mức cao sẽ tiếp tục giúp kết quả kinh doanh thực tế của BSR được duy trì ở mức ổn định cao hơn kế hoạch. Dự kiến cổ tức tiền mặt cho năm 2023 của BSR có tỷ lệ là 7%. BSR đã tích lũy được số dư tiền ròng dồi dào lên tới 27.400 tỷ đồng (1,12 tỷ USD), đảm bảo cho nhu cầu đầu tư lớn trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, có một số rủi ro như, crackspreads các sản phẩm xăng có xu hướng giảm, tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận gộp của BSR;

Việc tiến hành bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất lần thứ 5 (50 ngày) trong năm 2024 dự kiến sẽ khiến doanh thu của BSR giảm 10%. 

Theo Công ty CP chứng khoán VNDIRECT, dù lợi nhuận năm 2024 dự kiến giảm do đợt bảo dưỡng, mức định giá hiện nay của BSR vẫn khá hấp dẫn nhờ khả năng sinh lời và hiệu suất vận hành của BSR cao hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

GAS

Triển vọng từ lĩnh vực LNG và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn

Giá LNG trên thị trường thế giới có xu hướng ổn định trong năm 2024 là điều kiện thuận lợi để kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải bước vào giai đoạn vận hành, chạy thử, tạo tiền đề cung cấp khí ổn định cho đối tác Nhơn Trạch 3 và 4 trong năm 2024. 

Bên cạnh đó, Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn khi có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) với sản lượng khai thác dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn doanh thu lớn, ước tính hơn 7 tỷ USD trong suốt quá trình vận hành. GAS đã tăng vốn điều lệ tương đương 23.000 tỷ đồng; dự kiến trả cổ tức tiền mặt cho năm 2023 với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.


PVD

Lịch trình khoan bận rộn trong hai năm tới

Giá thuê giàn trung bình trong năm 2024 dự kiến vẫn tăng nhờ vào giá dầu Brent được neo ở mức cao và nhu cầu thuê giàn khoan tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung giàn vẫn khan hiếm do lượng đóng mới thấp, là tín hiệu tốt cho các nhà thầu khoan như PVD. Các giàn khoan của PVD đã có việc làm trong năm 2024. Giàn I, II, VI có hợp đồng kéo dài sang năm 2025. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, thị trường trong nước sẽ cung cấp lượng việc làm tiềm năng rất lớn cho PVD từ cuối 2025 trở đi với nhiều dự án E&P đang được triển khai.

Theo VNDIRECT, cổ phiếu PVD định giá hấp dẫn nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp. PVD đang giao dịch ở mức P/B là 1,1x, bằng với mức trung bình lịch sử kể từ năm 2010 và thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tỷ lệ P/E trượt ở mức cao là 36,7x cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng kép 2 năm đạt 52,8%. VNDIRECT duy trì khuyến nghị “Khả quan” cho PVD với giá mục tiêu 34.500 đồng nhờ triển vọng tăng trưởng vững chắc của doanh nghiệp và giá trị đội giàn khoan hiện tại tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. PVD hiện đang giao dịch ở mức giá 27.250 đồng/cổ phiếu (ngày 22/1/2024).


PVS

Dự án Lô B – Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn

Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, nếu FID được phê duyệt sẽ giúp PVS có thể ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng với giá trị ước đạt 1 tỷ USD bắt đầu từ năm 2024. PVS có thể sẽ được hưởng lợi từ dự án mỏ Lạc Đà Vàng Lô 15-1/05 với gói đấu thầu xây dựng 1 giàn xử lý trung tâm và 1 giàn đầu giếng với tổng giá trị hợp đồng là 283 triệu USD. Nhìn chung, chuỗi dự án Lô B với lượng công việc khổng lồ sẽ là động lực tăng trưởng chính của PVS trong hai năm tới. 

Bên cạnh đó, lĩnh vực điện gió ngoài khơi ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ, mang lại lượng công việc ước tính 800 triệu USD cho mảng cơ khí (M&C). Theo xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh trên toàn cầu, điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực đầy hứa hẹn, mang lại tiềm năng rất lớn cho mảng M&C trong dài hạn. 

Bên cạnh đó, giá dầu Brent trung bình ở mức cao sẽ giúp các dự án dầu khí trở nên khả thi và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí như PVS.

VNDIRECT duy trì khuyến nghị “Khả quan” cho PVS với giá mục tiêu 47.400 đồng, triển vọng tích cực của công ty nhờ vào khối lượng công việc khổng lồ trong mảng M&C và giá dầu dự kiến vẫn sẽ ở mức cao trên 80 USD/thùng trong hai năm tới. PVS hiện đang giao dịch ở mức giá 36.700 đồng/cổ phiếu (ngày 22/1/2024).

Nguồn: PetroTimes

Giá dầu dự báo neo ở mức cao, chuỗi dự án lớn Lô B- Ô Môn, cùng nhiều dự án thăm dò khai thác khác tăng triển vọng tích cực cho PVS, PVD, GAS, và BSR

[blogger][facebook][disqus]

Author Name

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.